Cùng học tiếng Nhật và khám phá Nhật Bản

Cùng học tiếng Nhật và khám phá Nhật Bản

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Kinh nghiệm học tiếng Nhật

Có thể nói rằng tiếng Nhật là một ngoại ngữ đặc thù- một ngoại  ngữ “khó”, khi có đến 4 bộ chữ (Hiragana, Katakana, Kanji và Romaji- mỗi bộ chữ đều có vai trò riêng) và một hệ thống các mẫu câu ngữ pháp được phân chia sử dụng đến từng tình huống nhỏ nhất.

Tuy nhiên cũng như việc học các ngoại ngữ khác, nếu giai đọạn đầu tiên-giai đoạn sơ cấp, các bạn nắm được cách học tiếng Nhật và học tốt, thì nó là bước tiền đề cơ bản cho bạn, cùng với niềm yêu thích tiếng Nhật, sẽ học tốt trong những giai đoạn khó hơn tiếp theo.

Dưới đây là những kinh nghiệm mà mình, một người đã trải qua giai đoạn học sơ cấp, và các giai đoạn khó hơn của tiếng Nhật, cũng như đã đạt một số thành quả nhất định, rút ra từ quá trình học của mình, muốn chia sẻ với các bạn để các bạn tham khảo từ đó đúc kết ra cách học phù hợp nhất cho mình, để ngày càng học tốt hơn và tìm thấy sự thú vị của tiếng Nhật.

Mỗi giai đoạn sẽ cần một chiến lược học khác nhau, dưới đây là kinh nghiệm  học sơ cấp mà mình muốn chia sẻ với các bạn:
1.     -Xác định rõ mục tiêu: Học để thực hành- Học để làm việc- Khi bạn xác định được như vậy thì những khó khăn nhỏ trong quá trình học sẽ không khiến bạn bỏ tiếng Nhật được.

2.     Phải chú trọng và nắm chắc bộ chữ Hiragana và Katakana (đặc biệt là Hiragana) ngay từ những buổi đầu làm quen với tiếng Nhật. Giai đoạn đầu, bạn được cung cấp khá nhiều từ vựng, do vậy bạn cần phải đọc được chúng. Việc không nắm chắc Hiragana và Katakana khiến bạn không đọc được những nội dung được truyền đạt trong sách khiến việc tiếp thu cả bạn bị cản trở rất nhiều dù các vấn đề ngữ pháp giai đoạn đầu rất đơn giản.

3.      Học đến đâu thực hành đến đó: Thực hành nghe và nói.
 Bộ sách Minna no Nihongo là một bộ tài liệu tiếng Nhật sơ cấp rất bổ ích khi nó cung cấp cả tài liệu luyện nghe cho người học. Các bạn nên học đến bài nào thì cuối mỗi bài nên luyện nghe ngay phần của bài đó để làm quen dần với âm điệu, ngữ điệu và tốc độ nói của tiếng Nhật. Tốc độ nói của người Nhật thường rất nhanh, có thể ban đầu bạn không bắt kịp tốc độ đó, nhưng đảm bảo nếu nghe thường xuyên bạn sẽ dần quen ngay. Theo đó, không chỉ kỹ năng nghe tiếng Nhật mà kỹ năng nghe các ngoại ngữ khác của bạn cũng có sẽ sự tiến bộ trông thấy.
Về vấn đề thực hành nói: Bạn có thể thực hành thật nhiều với giáo viên trong lớp, cứ tích cực nói và theo ngữ điệu bạn đã được nghe qua băng.
4.      Chữ Hán (Kanji): Là sự tích góp của bạn phụ thuộc vào thời gian và sự chăm chỉ. Các bài đầu, các bạn tập trung vào bộ Hiragana và Katakana, sau khi đã nắm chắc như trong long bàn tay 2 bộ này và đọc vanh vách các chữ trong sách viết rồi thì hãy chuyển sang học chữ Kanji thôi nào! Hãy nhớ, Kanji là sự tích góp phụ thuộc vào thời gian và sự chăm chỉ. Bạn cần tích lũy dần dần và từng chút một chứ không thể ngày một ngày hai học tủ được một số lượng lớn Kanji được (sẽ quên ngay! Rồi bạn lại phải học lại và như thế ngược lại lại rất mất thời gian). Hãy nhớ: Kanji bám sát nội dụng học trong sách- Mỗi ngày vài chữ, học chữ nào, chắc chữ đó. Như vậy, đảm bảo khi bạn hoàn thành 1 khóa học thì bạn cũng tích lũy được số lượng kanji tương ứng với trình độ của khóa học đó.

5.      Để hỗ trợ cho “bộ nhớ” của bạn trong quá trình học tiếng Nhật, bạn có thế sử dụng các công cụ giấy nhớ, .. để ghi ra những nội dung mà mình cảm thấy chưa nhớ chắc, những chữ Kanji hay quên và gắn ở những nơi bạn hay nhìn thấy (laptop, bàn học…)

Cuối cùng, mình đảm bảo với các bạn rằng tiếng Nhật rất thú vị và mình chúc các bạn học tiếng Nhật thật vui và đạt được những kết quả tốt!

Đỗ Thanh Hoa


Tự học tiếng Nhật qua các video clip (dành cho người mới bắt đầu)

Ở bài viết sau đây, mình sẽ gợi ý các bạn một số đường link mà mình thấy hữu ích trong giai đoạn mới học tiếng Nhật.

1. Phần bảng chữ cái:
- Ngoài phần giáo viên hướng dẫn, bạn hãy tự luyện viết các chữ cái nhiều lần, sử dụng flashcard để ôn tập. Các bạn cũng có thể nghe bài hát sau để vừa thư giãn vừa ghi nhớ bảng chữ cái:

Hướng dẫn học bảng chữ cái chi tiết cho các bạn muốn tự học tiếng Nhật:
https://www.youtube.com/watch?v=yaoKzYJwfXc
https://www.youtube.com/watch?v=8zfBMDNkJuI

- Bạn cũng có thể chơi trò chơi ở một số link sau: 

- Bạn cũng nên download font tiếng Nhật và cài vào máy để gõ bằng tiếng Nhật

2. Sau khi học bảng chữ cái, chúng ta sẽ cùng chính thức học tiếng Nhật nào :D
Chắc hẳn 80% các bạn mới học tiếng Nhật sẽ sử dụng giáo trình Minna no nihongo đúng không nào? Đó là một cuốn sách khá hay, nhưng các bạn hãy sử dụng nó một cách có hiệu quả nhé.
Các bạn hãy học từ vựng qua một số phương pháp sau nhé:
- Flashcard: Các bạn có thể tự làm flashcard trên giấy nhiều màu, một mặt là tiếng Nhật, mặt kia là tiếng Việt hoặc hình minh họa. Các bạn cũng có thể download flashcard có sẵn rồi in trên giấy A4, sau đó gập đôi lại và dùng hồ/băng dính 2 mặt dán lại rồi cắt nhỏ ra, như vậy các bạn cũng có flashcard để ghi nhớ từ vựng. (Các file được đặt tên là Lesson 1,2,3) 
- Tranh ảnh: Các bạn hãy nhìn tranh và đặt 1 ví dụ để ghi nhớ từ vựng và ngữ pháp nhé.
- File từ vựng: Trong folder Audio, các file tên là Kotoba là các file từ vựng, các bạn hãy nghe list từ vựng trong đó nhiều lần để ghi nhớ nhé. Lưu file vào điện thoại để nghe khi rảnh cũng là một cách học rất tiết kiệm thời gian.

Để có thể giao tiếp nhanh nhất có thể, các bạn hãy xem clip hội thoại theo mỗi bài học, luyện nghe nhiều lần và học thuộc lòng hoặc ghi âm lại nội dung hội thoại.

Download tài liệu bổ trợ sách Minna tại đây

Ngoài ra, các bạn cũng có thể xem thêm một số video clip thú vị khác, nghe nhạc Nhật... để tiếp xúc với tiếng Nhật nhiều hơn:

3. Một số tài liệu ở cấp độ cao hơn
Học chữ Hán
https://www.youtube.com/watch?v=VSWSri61KFI
https://www.youtube.com/watch?v=sspUdoV9Il0

Từ chỉ số lượng
https://www.youtube.com/watch?v=wAHhZK91Gdk

Hãy chinh phục tiếng Nhật bằng những phương pháp thông minh các bạn nhé!

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Đội dịch vụ được ca ngợi khắp nước Nhật, chỉ có 7 phút làm việc trên tàu Shinkansen

Shinkansen Nhật Bản, hay còn gọi là tàu siêu tốc, là một trong những tàu có tốc độ nhanh nhất thế giới, có vận tốc 200 km/giờ . Tokaido Shinkansen đường tàu siêu tốc mà được sử dụng nhiều nhất, với 120.000 chuyến tàu một năm, thời gian chuyển tiếp giữa các chuyến tàu là 36s. Một trong những lý do mà tàu siêu tốc có chạy một cách suôn sẻ là nhờ vào Đội dịch vụ cần mẫn làm việc đến khi tàu dừng lại ở điểm cuối, Đội dịch vụ chỉ có 7 phút để làm công việc dọn dẹp.

Công ty đường sắt JR East, hay còn được gọi là TESSEI, có trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh cho những con tàu siêu tốc khi chúng dừng tại ga Tokyo. Có khoảng 820 nhân viên dịch vụ toàn thời gian và bán thời gian, tuổi đời trung bình của họ là 52, và khoảng 50% trong số họ là phụ nữ lớn tuổi, họ thường được gọi bằng cái tên thân mật chung là Obasan của TESSEI (có nghĩa là bà lão của TESSEI).

Tàu siêu tốc chạy đi và về ga Tokyo khoảng 210 lần mỗi ngày. Nhân viên TESSEI được chia thành nhiều đội, mỗi đội 22 người, có 11 đội thay phiên nhau lau dọn, và trung bình một ngày mỗi nhân viên dọn dẹp trên 20 chuyến tàu mỗi ngày.
Công việc lau dọn này dù giản đơn, nhưng lại nhận được sự quan tâm của giới truyền thông, tạp chí Business Nikkei còn gọi Đội dịch vụ là “Đội mạnh nhất” của Nhật Bản.

Nhưng công việc chính của Đội dịch vụ là gì?



Tốc độ lau dọn
Các chuyến tàu chỉ dừng 12 phút tại ga Tokyo, bao gồm 2 phút cho hành khách xuống, 3 phút cho hành khách lên, 7 phút cho việc dọn dẹp.
Mỗi nhân viên dịch vụ sẽ dọn một khoang tàu có khoảng 100 ghế gồi, các khoang phải được dọn dẹp sạch bong trong vòng 7 phút, trong đó 1,5 phút cho việc nhặt rác, 30 giây chuyển đổi lại ghế ngồi, 4 phút cho việc lau dọn, và 1 phút dành cho việc kiểm tra. Trên tàu Shinkansen, khành khách thường ngồi trên tàu khoảng vài tiếng, nên họ thường ăn, uống, đọc sách…nên công việc dọn dẹp sẽ vất vả hơn nhiều.

Chi tiết công việc lau dọn trong vòng 7 phút
Phút 0:00~1:30 Kiểm tra giá hành lý hai bên, và nhìn xuống giữa các hàng ghế xem có ai để quên đồ. Khi ghế được xoay cùng hướng với hướng tàu đi, chạy đến cửa đầu và cuối quét sạch rác vương vãi trên lối đi.
Phút 1:30~4:30 Trên đường trở lại hành lang, kéo và kiểm tra rèm cửa, và cùng lúc đó, lật các bàn ra lau dọn, thay vỏ bọc nếu chúng bị bẩn.
Phút 4:30~6:30 Lấy chổi, quét tất cả rác vào một thùng và mang ra hành lang.
Mọi công việc phải hoàn thành trong vòng 6 phút, thời gian tối đa là 7 phút. Nhiều lúc, khách đi tàu đông, thời gian lên xuống cũng nhiều hơn bình thường, vậy nên công việc lau dọn này phải khẩn trương hơn bao giờ hết, và hiếm khi Đội dịch vụ có đủ 7 phút để hoàn thành công việc.

TESSEI tiến hành cải cách công ty từ 9 năm trước, khi mới bắt đầu, những nhân viên lau dọn thường là nhân viên tạm thời nên tinh thần làm việc có phần sa sút, và không tận tâm với công việc, do vậy chất lượng công việc không đáp ứng được với đòi hỏi của khách hàng. Một trong những thay đổi liên quan tới việc đại tu là định nghĩa lại công việc “lau dọn” là “dịch vụ” thay vì lau dọn đơn thuần, và khiến nhân viên cảm thấy tự hào về công việc của mình. Thành viên của Đội dịch vụ được luân chuyển thường xuyên tới các Đội dịch vụ khác để học hỏi. Mỗi ngày các nhóm dịch vụ đều có cuộc họp để cùng nhìn lại các vấn đề trong công việc, và mọi thành viên đều phải đóng góp ý kiến.

Omotenashi: Nhật Bản hiếu khách
Nếu bạn đã từng nghe nói đến cụm từ “Omotenashi” song hành với việc Nhật Bản đăng cai thế vận hội Olympic 2020. Omotenashi tượng trưng cho khái niệm Nhật Bản hiếu khách, và Nhật đã rất thành công với hình ảnh một đất nước lịch sự mến khách trong con mắt người nước ngoài.
TESSEI cũng có Omotenashi, hành khách sẽ thường thấy những hình ảnh nhân viên TESSEI chỉnh tề đứng đợi lên tàu bắt đầu công việc lau dọn, cúi đầu chào con tàu khi thấy tàu đến và đi, lúc nào cũng nở nụ cười, có hoa cài trên mũ, hay mặc những chiếc áo Hawaii sặc sỡ vào mùa hè.
Dịch vụ tuyệt vời của TESSEI đã được ca ngợi khắp thế giới. Sau một lần đến thăm Nhật, một quan chức cấp cao của đường sắt Pháp đã thốt lên rằng, họ muốn làm theo cách mà TESSEI đang làm. Tháng trước, một nhóm giáo sư đại học Havard đã thăm quan TESSEI và nói về việc đưa TESSEI vào tài liệu giảng dạy cao học.

Theo Japan today đăng ngày 29/04/2014

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Chuyện về một hầu bàn người Nhật

Cả lượt đi và về Hà Nội - Boston và Boston - Hà Nội, tôi đều quá cảnh ở sân bay Narita, Tokyo chừng dăm tiếng đồng hồ. Khi mua vé, một số người khuyên đừng đi qua Nhật vì có thể bị nhiễm phóng xạ. Nhưng có lẽ vì tôi đã quá cảnh Tokyo nhiều lần rồi nên thành thói quen và cũng thấy nhớ. Và thú thực, tôi cũng muốn được quan sát nước Nhật đang sống như thế nào sau cơn " tiểu hồng thủy" mới tràn qua cho dù chỉ ở một trong không gian nhỏ là một sân bay. Báo chí đã nói về bản lĩnh và nhân cách người Nhật sau thảm họa sóng thần cũng như bản lĩnh và nhân cách người Nhật sau khi người Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất nước này. Và cả bản lĩnh của người Nhật ngay khi dân tộc họ trở thành một trong những dân tộc giàu có nhất thế giới.

Ở nhiều nơi trong khu vực sân bay Narita, người ta có dán một tờ giấy với nội dung nước Nhật đang gặp khó khăn sau thảm họa sóng thần nên thiếu năng lượng, vì vậy quản lý sân bay xin lỗi hành khách khi hệ thống điều hòa trong khu vực sân bay không thể phục vụ hành khách như trước kia. Lúc đầu không nhìn thấy lời xin lỗi đó, tôi tỏ ra khó chịu với sự nóng bức trong sân bay sau một chuyến bay quá dài. Nhưng khi đọc được lời xin lỗi đó thì tôi lại thầm xin lỗi những người Nhật. Lúc đó, tôi thấy mình thật ích kỷ. Sống tử tế thật khó. Có lẽ chỉ khi chết rồi con người mới có thể tuyên bố rằng mình đã sống hoàn toàn tử tế.

Tôi là kẻ nghiện thuốc lá. Bởi thế, xuống đến sân bay là tôi đảo mắt kiếm tìm phòng hút thuốc. Cho đến bây giờ, chỉ ở Mỹ là tôi không tìm thấy phòng hút thuốc trong sân bay còn tất cả các sân bay tôi đã từng qua đều có phòng hút thuốc. Nhưng chưa ở đâu, phòng hút thuốc trong sân bay lại rộng, đẹp và sạch như ở sân bay Narita. Tất cả mọi thứ trong phòng hút thuốc ở Narita đều đẹp và sạch như là một phòng khánh tiết. Nhìn là biết những người quản lý sân bay đã quan tâm đến cái phòng hút thuốc như thế nào. Nhưng xin bạn nhớ rằng họ quan tâm không phải vì họ khuyến khích người ta hút thuốc mà là lối sống văn hóa của họ. Hút thuốc có hại sức khỏe cho người hút thuốc và cũng có hại phần nào đó cho người bên cạnh. Nhưng không vì sự có hại đó mà người không hút thuốc tẩy chay người hút thuốc. Phép ứng xử với những người hút thuốc qua cách thiết kế và chăm sóc các phòng hút thuốc là một phép ứng xử văn hóa của những người quản lý sân bay Narita. Hút thuốc không có tội, nghĩa là không vi phạm luật pháp trừ khi anh hút thuốc ở nơi cấm hút. Và vì vậy, người hút thuốc phải được ứng xử một cách văn hóa và bình đẳng. Tôi nói vậy vì tôi thấy phòng hút thuốc ở nhiều sân bay trên thế giới giống như địa ngục. Một cái phòng nhỏ xíu chỉ dăm người vào hút thuốc là chật cứng. Những người hút thuốc chen nhau trong mù mịt khói thuốc trông thật thảm hại. Có lẽ những người quản lý ở các sân bay đó tìm cách đày đọa và sỉ nhục những người hút thuốc để cho họ phải bỏ thuốc chăng ?

Tôi còn nhớ mãi một trong những câu chuyện đau lòng trong các trại giam giữ những người Việt Nam vượt biên ở Hongkong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Cảnh sát Hongkong cai quản những trại đó đã ra lệnh những người Việt Nam vượt biên mỗi ngày mỗi người phải bắt 50 con ruồi thì mới được phát khẩu phần ăn. Đó là một sự sỉ nhục. Đó là vô lương tâm. Tôi đã trực tiếp trò chuyện với một số người từ trại đó trở về. Họ đã khóc khi kể lại câu chuyện bắt ruồi để được ăn. Trước kia tôi không nghĩ đến việc bỏ thuốc lá. Nhưng khi nhìn những phòng hút thuốc ở sân bay Narita và cách những người lao công lau chùi phòng hút thuốc đã làm tôi nghĩ tới việc bỏ thuốc lá. Người ta chỉ có thể thức tỉnh con người bằng văn hóa chứ không bao giờ thức tỉnh con người bằng áp bức dưới bất cứ hình thức nào được.

Vì thời gian quá cảnh ở sân bay Narita quá dài nên chúng tôi tìm đến một quán ăn trong sân bay. Tôi gọi một bát mì hải sản. Theo trí nhớ của tôi thì giá một bát mì như vậy vẫn không có gì thay đổi sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đặc biệt sau thảm họa sóng thần. Lúc đó, nghĩ lại những cơn bão giá ở trong nước như trận đồ bát quái mà người tiêu dùng không thể tìm thấy đường thoát ra. Khi chúng tôi ngồi vào bàn thì một người hầu bàn bước đến cúi đầu chào chúng tôi và hỏi chúng tôi dùng gì. Rồi anh mang nước cho chúng tôi. Lúc đó, tôi vô tình chạm vào tay anh và làm đổ cốc nước. Nước làm ướt một chiếc giày của tôi. Trong khi tôi lúng túng chưa biết làm gì thì người hầu bàn đã nói lời xin lỗi và quỳ xuống lau chiếc giày của tôi bằng một chiếc khăn trắng tinh. Tôi thực sự bất ngờ và thấy xấu hổ. Tôi nghĩ đến cách ứng xử của những người Việt Nam ở những nơi công cộng. Người hầu bàn lau chiếc giày bị ướt của tôi kỹ lưỡng như đang lau một viên kim cương. Tôi cam chắc rằng nếu một người hầu bàn trong những quán ăn ở Việt Nam cúi xuống lau giày cho khách thì họ sẽ rất xấu hổ. Nhưng họ biết đâu rằng : chính tôi, người có chiếc giày được lau, mới là người thấy xấu hổ chứ không phải là người lau chiếc giày ấy cho tôi.

Khi ăn xong, tôi đã để lại một món tiền tip kha khá vì muốn bày tỏ sự biết ơn của mình với người hầu bàn đó. Nhưng người hầu bàn nói họ không nhận tiền tip. Một lần nữa, tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi cố tìm cách đưa tiền tip cho người hầu bàn nhưng người hầu bàn vẫn nhã nhặn từ chối. Năm 1992, trong chuyến đi đầu tiên của mình đến Mỹ, tôi có đến một quán ăn người Việt ở New York. Khi ăn xong tôi đã để 10 đô la tiền tip lại. Người hầu bàn là một người Mỹ gốc Việt đã tỏ ra vô cùng bực bội với tôi vì tôi đã không để 12 đô la mà chỉ để 10 đô la. Sau này tôi mới biết họ tính phần trăm tiền tip theo tổng giá của bữa ăn. Tôi thực sự không biết điều đó. Sao người hầu bàn kia không giải thích cho tôi? Và sao người hầu bàn kia không có thể nói: "Quý ông còn thiếu 2 đô la tiền tip theo quy định, nhưng nếu quý ông không có 2 đô la thì cũng không sao. Mong quý ông trở lại nhà hàng chúng tôi để chúng tôi được phục vụ quý ông". Nếu nói như vậy, người hầu bàn và nhà hàng của anh ta sẽ không bao giờ mất 2 đô la (vì đương nhiên tôi sẽ trả thêm) mà còn được một cái gì đó giá trị gấp ngàn lần giá trị của 2 đô la kia. Và chắc chắn những lần tới New York sau đó tôi sẽ tìm đến nhà hàng đó. Bởi có gì hạnh phúc hơn khi được trở lại một nơi chốn đã từng gieo vào lòng mình sự xúc động và kính trọng. Nhưng bây giờ, trong các nhà hàng ở Mỹ, người ta tính tiền tip vào luôn hóa đơn thanh toán. Nghe rất khoa học và sòng phẳng nhưng vẫn không ổn ở một khía cạnh nào đó.

Sau khi từ chối tiền tip, người hầu bàn hỏi chúng tôi có cần gì nữa mà anh ta có thể phục vụ chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn anh. Anh cúi đầu chào chúng tôi và bước lùi một bước mời chúng tôi đi. Một lời từ chối lịch sự, một cái cúi đầu, một bước đi lùi, một nụ cười thân ái, một gương mặt tự tin chỉ của một người hầu bàn đã một lần nữa làm nên nhân cách người Nhật. Họ đã từ một đất nước nghèo nàn và tan hoang vì chiến tranh trở thành một đất nước văn minh, văn hóa và giàu có. Họ không bán hàng giả, hàng độc hại, họ không dùng tiền hay vũ khí đe dọa người khác. Sự nhẫn nại trong hành động lau chiếc giày cho khách và sự chối từ tiền tip của người hầu bàn Nhật và sự nhẫn nại của người bán trứng Trung Quốc và cách ăn mì tôm của cậu sinh viên Trung Quốc hoàn toàn khác nhau.

Sự nhẫn nại của người Nhật là sự rèn luyện nhân cách, là ứng xử văn hóa, là sự tôn trọng con người và ý chí vươn lên. Sự nhẫn nại đó không chứa đựng những tham vọng ngông cuồng và những mưu mô. Cũng như người Nhật đã dạy cho con em của họ về những khó khăn mà dân tộc Nhật phải đương đầu, dạy cho mỗi người Nhật hãy bằng hành động trung thực của mình làm cho văn hóa Nhật, nhân cách Nhật cũng như giá trị những sản phẩm made in Japan lan tỏa vào lòng con người trên toàn thế giới chứ không phải là những cuộc "xâm lăng" đầy mưu tính đôi khi phi nhân và ác độc.

Doanh nhân Nhật Bản nhặt rác Hồ Gươm.


Vào ngày chủ nhật, dòng người từ khắp nơi đổ về hồ Hoàn Kiếm thư giãn, ngắm cảnh. Nhưng dường như không mấy ai để ý đến người đàn ông Nhật đang lúi húi nhặt rác.
Ông đặc biệt gây chú ý. Ba lô rất gọn, tay trái cầm túi nilon to, tay phải cầm kẹp sắt dài nửa mét hết đứng lại ngồi, đôi lúc cúi gập cả người xuống gầm ghế đá ven hồ để cố moi lấy những mẩu thuốc lá hút dở lẫn vào đất hay vỏ chai nước lăn lóc mà ai đó đã cố tình ném vào.
Đó là ông Ninomiya, Giám đốc Công ty ISHIGAKI RUBBER VN có trụ sở tại khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư thuộc quận Long Biên. Ông đã làm công việc này được khoảng 1 năm.
Ông nói: “Công việc này rất hữu ích và không cần đầu tư tiền bạc gì”
Ông tự trang bị bộ kẹp rác bằng sắt dài, túi nilon, găng tay và để thu gom rác ở Hồ Gươm.
Một người Nhật có ý thức bảo vệ môi trường, còn chúng ta làm gì để bảo vệ thủ đo của mình?

Nguồn: Báo Tiền Phong.

Nước Nhật trong tôi

Tôi chưa bao giờ đến Nhật, chẳng mấy khi tìm hiểu về con người, đất nước và văn hóa Nhật, nên có thể nói tôi xa lạ với thế giới mà nhiều người xem là tuyệt diệu, nhiều sinh viên FU xem là điểm đến lí tưởng trong đời. Một nước Nhật phồn hoa, một nước Nhật đầy màu sắc và quyến rũ vẫn là những điều chưa từng mắt thấy tai nghe, nhưng vẫn có một nước Nhật đặc biệt trong tôi.
Nước Nhật của những hoài niệm 
Đó là nước Nhật của những ngôi nhà gỗ thơm trầm hương - mùi hương quá khứ, với những hành lang dài, cánh cửa lùa ít nắng khiến mỗi căn nhà đều mang dáng vẻ thâm u. Những ngôi nhà với bước chân thong thả của những người phụ nữ hòa cùng tiêng chuông gió thảnh thơi treo trên cửa sổ và tiếng chim nào khẽ rơi trên mái nâu trầm. Những ngôi nhà với khu vườn rộng um tùm hoa lá thay đổi theo mùa man mác hương vị của đất đai, của cỏ cây, của những điều khó có thể gọi thành tên. Là nước Nhật mà thời gian không trôi đi, xưa cũ và ẩn mình trong chốn phồn hoa, bên những con dốc thoai thoải khép trong hàng rào màu đá xám...

Đó là nước Nhật của những người bà già như hàng trăm tuổi, những cậu học trò cứ nhắc về ngày xưa, của những người yêu nhau và hay nói về quá khứ, của mối tình đầu không thể nào quên qua những thăng trầm thời gian, của những biến thiên cuộc đời để rồi chỉ mong một lần về ngồi lại bên lối đi, khu vườn, hay bãi biển của một thời tuổi trẻ. Dường như họ nói về nỗi nhớ nhiều hơn, họ ủ mình trong cái kén êm ái cúa thời vàng son dù ngọt ngào hay chát đắng nhưng thiêng liêng và đáng quý vô cùng.
Nước Nhật của những tình yêu 
Tình yêu mà hơn cả tình yêu. Yêu đến mức không muốn rời xa những kỉ niệm nhỏ nhặt nhất, nên một chàng thiếu niên cứ thích mặc đồng phục của cô bạn xấu số đã qua đời. Yêu đến đau đớn mà đôi tình nhân phải bỏ đi đến thật xa, nơi những người hát ru hồn ma của biển, nơi không ai biết họ là ai, nơi họ được sống với chính mình mà thôi. Yêu đến xót xa khi người phụ nữ bỏ cả tâm hồn và kỉ niệm nấu những món ăn cho người tình trẻ, vì muốn món ăn của mình hóa thành da thịt người yêu. Yêu đến dại khờ, ngác ngơ, khi một sáng tình dậy chàng trai nào đã khóc, vì cô bạn thân yêu đã đi thật rồi. Họ yêu như thế đấy! Dù đến hay không đến được với nhau nhưng họ đã yêu hết mình và nồng thắm, và như thế dù thế nào họ vẫn có một nơi để trở về - khoảng trời của tình yêu đã có.

Nước Nhật của những nỗi đau tinh thần bế tắc
Khi người bạn trai chết đi rồi, một cô gái nào chỉ biết được mỗi nickname của anh ấy, không địa chỉ, không điện thoại, không liên lạc. Khi cô gái giang hồ muồn làm lại cuộc đời mà không dám yêu và chấp nhận tình yêu của người ân nhân cứu giúp. Khi họ yêu nhau nhưng không bước qua nổi những định kiến hay mối liên hệ máu huyết trong mình. Khi biết bao đổ vỡ và tan nát, bao tuyệt vọng đến không cùng không tận của những tâm hồn bế tắc cũng không muốn cầu siêu. Sau cái hoa mĩ kia vẫn có những giấc mơ chỉ là nỗi đau mỗi khi gọi tên, làm nhức nhối chỉ tạm quên trong rượu.
Đấy, đấy là nước Nhật trong tôi qua những trang sáng tôi đọc thường ngày, những trang sách đầy ứ dòng hoài niệm mà mỗi lần nhớ lại tràn về ồ ạt như nước sông mùa lũ. Nước Nhật trong tôi tuy chưa từng đến, nhưng có biết bao niềm đồng cảm. Cảm ơn biết bao những trang sách, những bài học, những con người của một đất nước bình dị mà vĩ đại.
Lời tác giả: Nước Nhật đã trải qua những biến cố phi thường một cách phi thường. Bằng tinh thần đoàn kết, trái tim yêu thương, người Nhật đã liên tục vùng lên tiến về phía trước. Dường như mỗi lần vấp ngã, người Nhật lại đứng lên, mạnh mẽ hơn, dũng mãnh hơn. Gửi đến nước Nhật những gì tốt đẹp nhất trong trái tim tôi, mong các bạn sớm vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần và vững tiến về phía trước.
Viết vào dịp nước Nhật đón lễ kỉ niệm một năm động đất và sóng thần.
Nếu muốn gặp một nước Nhật như tôi đã từng gặp và yêu, hãy đọc:
- “Vĩnh biệt Tugumi” – Banana Yoshimoto
- “Kitchen” – Banana Yoshimoto
- “N.P” – Banana Yoshimoto
- “Rừng Na-Uy” – Murakami Haruki
- “Sắc lá Momiji” – Teru Miyamoto
- “Socrates in love” -  Kyoichi Katayama




BỐN "CHUYỆN LẠ" Ở ĐẤT NƯỚC NHẬT BẢN- Thật đáng để suy ngẫm

1./ Trung thực

Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các bác tài sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”.

Sự trung thực của người Nhật, in đậm nét ở những "mini shop không người bán” tại Osaka. Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn giản. Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka... cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ/túi xách.

Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào. Người Nhật tự hào khẳng định động từ "ăn cắp vặt" gần như đã biến mất trong từ điển. Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 - 10% khi biết bạn là khách nước ngoài.

2./ “No noise” - không ồn

Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tất cả đường cao tốc đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn 1 hòn đảo nhân tạo để làm sân bay rộng hơn 500ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.

Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa khuyến mãi, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.

3./ Nhân bản

Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch? Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn để phần 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.

4./ Bình đẳng

Mọi đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng. Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng xe hơi.

Việc mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, quan chức cho thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh trên đường. Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động.

Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ sự ưu tiên. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ tướng.

Ở Nhật, nội trợ là một nghề. Hàng tháng chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các chế độ y như một người đi làm. Về già, vẫn hưởng đầy đủ lương hưu. Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào thẳng tài khoản của vợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.



(Sưu tầm)

Con đường giai điệu ở Nhật Bản

Nhật Bản, đất nước của những phát minh có một con đường kỳ lạ - đó là con đường phát ra tiếng nhạc. Tất cả là nhờ bộ óc siêu việt của các nhà xây dựng Nhật Bản trong việc kết hợp những yếu tố vật lí để tạo ra con đường âm nhạc này. Và sáng kiến đó là nhằm thu hút du khách đến với Nhật Bản, xứ sở của những phát minh kì diệu.

"Con đường giai điệu" ở Nhật Bản là 1 đoạn đường mà khi bạn lái xe qua đấy, những rung động và âm thanh ầm ầm sẽ truyền qua bánh xe vào thân xe thành 1 giai điệu nào nào đó. Ý tưởng về con đường giai điệu này được hình thành khi ông Shizuo Shinoda vô tình cạo một số đường rãnh vào một con đường bằng một xe ủi đất và lái xe qua chúng, và nhận ra rằng nó đã có thể tạo ra những giai điệu tùy thuộc vào độ sâu và khoảng cách của các rãnh.

Hãy tưởng tượng khi chiếc xe đang bon bon bất chợt xuất hiện những âm thanh vui tai, kì lạ phát ra từ chính con đường. Nguyên nhân để đường phát nhạc nằm ở việc thiết kế những rãnh nhỏ cách đều nhau ở vị trí 6mm và 12 mm. Kích thước khoảng trống giữa mỗi rãnh tác động đến cường độ âm thanh.

Năm 2007, Viện nghiên cứu công nghiệp quốc gia Hokkaido, nơi trước đó đã nghiên cứu ra cách sử dụng đèn hồng ngoại để phát hiện mặt đường nguy hiểm, đã dưa vào phát hiện của Shinoda để tạo ra các đường Melody. Họ đã tạo ra các rãnh trên mặt đường bê tông và nhận thấy rằng các rãnh gần nhau có âm độ cao hơn, trong khi rãnh được đặt cách nhau xa nhau tạo ra âm thanh thấp hơn .Các con đường làm việc bằng cách tạo ra các trình tự của rãnh có độ rộng 6mm và 12mm để tạo ra rung động cụ thể ở tần số thấp và cao. Và điều đặc biệt là vỉa hè được thiết kế để các bài hát được nghe chỉ khi một chiếc xe lái ở khoảng 47 km/h cũng như đảm bảo hướng gió, động cơ, tiếng ồn của bánh xe ở mức tối thiểu, điều này giúp cho việc điều khiển, quan sát giới hạn tốc độ, khuyến khích người lái xe luôn đi ở tốc độ an toàn. Thật là tiện ích phải không nào?? ^^ Nếu bạn muốn thưởng thức những giai điệu độc đáo này thì hãy đến một trong 3 nơi ở Nhật Bản là Hokkaido, Wakayama và Gunma nhé!

Cùng thăm thú qua con đường giai điệu:
http://www.youtube.com/watch?v=YGS1sDOx-qg

(Nguồn: sưu tầm)

TRÒ CHUYỆN VỚI CHÚ CHÓ TRẮNG

Trò chuyện với chú chó trắng là chương trình thiếu nhi phát hình ngày 30-12-2004 trên kênh VTV3. 



Trò chuyện với chú chó trắng làm mê mải các bạn nhỏ. Mỗi một tập phim là một câu chuyện khác nhau, bản thân mỗi tập phim là một bàn tiệc phong phú, những câu chuyện giáo dục sinh động, giản dị sâu sắc không hề có chút giáo điều. Mà có gì đâu. Chỉ là chuyện đánh răng, rửa mặt, chuyện đi nhà vệ sinh, chuyện biết cảm ơn, xin lỗi, biết dũng cảm đối diện với một chú chó to, biết làm một con cá bằng giấy hết sức đơn giản mà sáng tạo theo kiểu trẻ thơ...

Những bài học đầu đời lặng lẽ ngấm vào lòng trẻ thơ: sự yêu thương, tinh thần cao thượng, lòng quả cảm, biết hối lỗi và biết tha thứ, biết giúp đỡ người khác một cách vô tư, biết ước mơ và sống với những mơ ước thần tiên như chính tuổi thơ vốn có!

“Chỉ cao thêm một chút mà đã gần hơn với bầu trời” là câu nói lý sự của một chú chó bông khi rủ bạn mình cùng đứng trên một tảng đá để ngắm sao.

Có thể, trẻ con chỉ hiểu đơn giản nghĩa đen là như thế, nhưng người lớn chúng ta còn bao điều để suy ngẫm. Mỗi ngày hay mỗi tuần một câu chuyện dạy con cái sống với những giá trị nhân văn tốt đẹp, mỗi ngày trẻ con hát nghêu ngao “tôi khác với tôi ngày hôm qua là hôm nay tôi đã biết xin lỗi…” thì tâm hồn của các em sẽ hoàn thiện hơn nhiều, nhiều lắm!

Mỗi ngày cao thêm một chút để bầu trời gần lại, mỗi ngày thêm chút nhân ái để cái ác sẽ không còn chỗ dung thân, mỗi em bé được giáo dục tốt sẽ cho xã hội những công dân gương mẫu…

Xem Trò chuyện với chú chó trắng mà ao ước bao điều cho phim hoạt hình và các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi, nhi đồng của chúng ta. Trẻ em như búp măng non, uốn từ nhỏ mới thẳng. Giữ cho mầm xanh mãi xanh không chỉ là che chắn gió độc bão dữ mà còn là vun xới.

Có cách nào nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em hiệu quả hơn là những sản phẩm nghệ thuật đích thực, được làm dành riêng cho các em với tay nghề tuyệt vời và một tình yêu thương sâu lắng, sự am hiểu sâu sắc tâm lý trẻ em?

Lá thư của một du học sinh Nhật

Sáng nay, tôi lên trường gặp giáo sư, một người gắn bó và yêu Việt Nam từ những năm cuối thập niên 1970. Như thường lệ, trước khi bắt tay vào công việc, hai thầy trò chào hỏi và trao đổi với nhau vài câu đầu ngày bằng tiếng Việt.

“Từ bản tin tối hôm qua đến nay, đài NHK và các đài khác của Nhật cứ đưa đi đưa lại tin bắt cô tiếp viên của Vietnam Airlines liên quan vào đường dây ăn cắp đồ ở Nhật, tôi và bà nhà tôi xem mà đau. Rồi báo chí rùm beng nghi án quan chức JTC hối lộ, nay lại đưa đậm tin này. Mà cũng tại mấy bữa nay truyền thông chúng tôi không có “big news” nên những tin như thế này lại được chú ý đưa đậm...”, giọng thầy nghèn nghẹn như trách móc các đơn vị truyền thông nước bạn.

Những người hiểu và yêu Việt Nam như thầy xem bản tin thời sự đều chung tâm trạng như vợ chồng thầy. Vì yêu nên họ muốn bảo vệ hình ảnh Việt Nam. Dù bằng chứng lúc này đều chống lại hình ảnh người phụ nữ với chiếc áo dài thướt tha của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam thì thầy vẫn một mực đổ lỗi tại... truyền thông Nhật Bản. Không bằng chứng nào thuyết phục được lý lẽ từ trái tim. “Thật tệ hại. Họ đang đánh đồng tất cả người Việt Nam”, thầy bảo.

Cũng cần nhắc lại, gần đây, ngoài “Phở”, chuyện “Việt Nam thắng Mỹ”, “cặp song sinh bị dính nhau Việt - Đức đã từng được điều trị tại Nhật Bản”..., người Nhật bắt đầu nói chuyện về Việt Nam, một đất nước xinh đẹp, văn hóa, ẩm thực ngon. Song những sự vụ gần đây khiến mọi thứ đảo chiều chóng mặt.

Số lượng người Việt ồ ạt vào Nhật Bản kéo theo vô vàn hệ lụy. Những hiện tượng như: Người Việt đi tàu trốn vé, ăn cắp vặt ở siêu thị, buôn tiền bất hợp pháp đã không còn là chuyện hiếm... Những vụ việc diễn ra nhiều đến mức thay vì chỉ nhờ người Việt hỗ trợ ngôn ngữ, cảnh sát Nhật đã phải tiến đến bước mở liên tục các lớp học tiếng Việt cho nhân viên của mình.

Trang Jiji Press vừa qua đưa thông tin rằng người Việt đứng đầu danh sách các vụ trộm cắp tại các cửa hàng, siêu thị, số vụ phạm tội của người Việt ở Nhật Bản tăng đến 60% trong 9 năm qua, lên đến 1.118 người trong năm 2013.

Ở một quốc gia duy tình như Việt Nam, những sai lầm trong ứng xử hay kể cả phạm pháp kiểu “trộm gà trộm chó” nhỏ lẻ thường dễ giải quyết bằng… tình cảm (hoặc trao đổi vật chất được bao bọc trong mỹ từ “tình cảm”). Những mối quan hệ chồng chéo, tâm lý ngại kiện tụng đưa đến những lần tặc lưỡi cho qua trên bàn nhậu. Điều này làm chúng ta dễ vỗ ngực tự hào rằng chúng ta vị tha, chúng ta đoàn kết...

Nhưng nước Nhật không thế. Nước Nhật không tin vào nước mắt của người sau khi bị bắt. Họ càng không chấp nhận giải quyết tay đôi, bỏ qua luật pháp. Chúng ta nên hiểu, một đất nước mà với tất cả người dân sự trung thực và liêm chính được tạo dựng ý thức ngay từ tấm bé thì phạm pháp khó lòng được xuê xoa, thông cảm.

Thông cảm sao khi kẻ tiếp tay cho nạn trộm cắp núp danh nhân viên hãng hàng không trong tà áo dài thướt tha như hình ảnh đại diện của một quốc gia (?!)

Thông cảm sao khi những vụ trộm nhỏ lẽ lại diễn ra đều đặn và có dấu hiệu có hệ thống (?!)

Nói chung, khi luật pháp là tối thượng, thông cảm là thứ viễn vông.

Những vụ việc như trên trong thời gian qua, tạm thời hiện nay chưa có ảnh hưởng tiêu cực nào đáng kể đến cuộc sống của người Việt tại Nhật. Nhưng nếu vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà chúng ta không ý thức giữ gìn thì có nghĩa chúng ta đang dần khép lại cánh cửa bước tiếp của mình.

Và đến lúc ấy, hẳn nhiên, những người Việt ở Nhật đành về nước chờ đồng bào... thông cảm!



Nhân xưng trong tiếng Nhật (phần 1)

Nhân xưng thứ nhất và thứ hai trong tiếng Nhật.


私=わたし=watashi
Nghĩa: Tôi 
Dùng trong hoàn cảnh thông thường, lịch sự như khi bạn gặp người lạ, hoặc với người lớn tuổi hơn.
Số nhiều là: 私たち(わたしたち、watashi-tachi)

あなた=anata
Nghĩa: Anh, chị, bạn, ông, bà.
"Anata" là cách gọi lịch sự người mà bạn không thân thiết lắm, hoặc là cách gọi thân mật của người vợ với chồng.
Ngoài ra còn là cách gọi lịch sự với người mới quen, trong văn viết thì sẽ dùng chữ kanji là 貴方 (quý phương) cho nam và 貴女 (quý nữ) cho nữ. Chú ý là trong văn viết bạn không nên dùng chữ hiragana あなた trừ khi muốn gọi thân mật.
Số nhiều dạng lịch sự: 貴方がた(あなたがた、anatagata)= quý vị, quý anh chị
Số nhiều dạng thân mật hay suồng sã: あなたたち(anatatachi)= các bạn, các người
Các bạn cần chú ý là anata là dạng hết sức lịch sự, nhất là dạng số nhiều "anatagata" (các anh, các chị, các vị).

君=きみ=kimi
Nghĩa : Em
Cách gọi thân ái với người nghe ít tuổi hơn.
Bạn trai gọi bạn gái, thầy giáo gọi học sinh, người lớn tuổi hơn gọi đàn em.

私=わたくし=watakushi
"Tôi" ở dạng lịch sự hơn "watashi", dùng trong các trường hợp buổi lễ hay không khí trang trọng.
Số nhiều: 私ども (watakushi domo)
Đây là cách xưng hô khiêm tốn nhất cho nhân xưng thứ nhất.

僕=ぼく=boku
"Tôi": Dùng cho nam giới trong các tình huống thân mật, ví dụ trong gia đình ("con", "cháu"), với thầy giáo ("em"), với bạn bè ("tôi", "tớ"), với bạn gái ("anh"). Chú ý là đây là dạng thân mật nhưng không hề suồng sã. Tránh dùng trong các tình huống trang trọng hay lễ nghi.

あたし=atashi
Là cách xưng "tôi" mà phụ nữ hay dùng. Giống "watashi" nhưng điệu đà hơn.

俺=おれ=ore
"Tôi, tao, tớ": Dùng cho trường hợp thân mật giữa bạn bè, với người thân thiết ít tuổi hơn hay dùng như "tao" là cách xưng hô ngoài đường phố.
Đây là cách mà những kẻ đấm đá ngoài đường hay xã hội đen thường xuyên nói, được coi là cách nói không lịch sự.
Tuy nhiên trong tiếng Nhật bạn trai có thể dùng "ore" với bạn gái và gọi bạn gái là "omae" ("mày").

お前=おまえ=omae
"Mày", "cậu" (bạn bè): Dùng cho đường phố. "Mae" là trước mặt, omae tạo thành danh từ chỉ người đứng trước mặt. Còn gọi chệch là おめえ (omee).
Bạn trai có thể gọi bạn gái không lịch sự là "omae".

手前=てまえ hay てめえ = temae, temee
"Mày" ở dạng còn mạnh hơn hơn "omae". Không nên dùng từ này trừ trong tình huống chửi bới.
Đây là cách xưng hô bất lịch sự nhất đối với nhân xưng thứ hai.

わし=washi
"Lão": Cách xưng "tôi" của người già, các bạn xem truyện tranh chắc hay thấy.

我々=われわれ=wareware
"Chúng ta": Bao gồm cả người nghe. "Watashi tachi" là "chúng tôi", không bao gồm người nghe.

諸君=しょくん=shokun
(kanji: "chư quân")
"Các bạn": Xưng hô lịch sự với đám người ít tuổi hơn, như vua nói với binh lính, thầy giáo nói với học sinh, v.v...
Đây là cách nói khá văn chương, kiểu cách. Dạng lịch sự hơn sẽ là "anata gata".

Nguồn: Sưu tầm.

Osen - một bộ phim không thể không xem

Bạn muốn tìm hiểu Nhật Bản? Thế thì có một bộ phim bạn không thể không xem, đó là Osen. 



Mở đầu bằng hình ảnh của một nước Nhật hiện đại và tiện lợi, đặc biệt là về đồ ăn thức uống. Nếu không có thời gian, chỉ cần chạy ra cửa hàng, siêu thị, mua các hộp thức ăn được đóng gói sẵn, rồi về nhà quay trong lò vi sóng vài ba phút đã có thể một bữa ăn nóng hổi với đủ các món. Người ta coi đó là xu thế của thời đại. Nhưng trong thế giới mà con người bị bao vây bởi sự “tiện lợi” ấy, vẫn có một nơi mà ở đó, mọi thứ dường như “cố tình” đi ngược với trào lưu của thời đại, đó là nhà hàng Isshouan.

Isshouan dường như là một thế giới nhỏ tách biệt hẳn với xã hội bên ngoài. Ở đây, mọi giá trị truyền thống đều được cố gắng gìn giữ đến mức tối đa. Gần như không có bóng dáng của bất kì thiết bị nào của thế giới hiện đại, cơm được nấu bằng rơm, rượu hâm bằng củi, nước bơm tay từ giếng, rau củ làm nguyên liệu nấu nướng là do nhà hàng tự trồng trọt… Với lịch sử 200 năm, Isshouan nổi tiếng trong giới ẩm thực Nhật Bản nhờ những món ăn hảo hạng đến từ sự tinh tế và cầu kì trong từng khâu chế biến: Cá khô để nguyên con, ngâm trong nước cả ngày đến khi nước chuyển màu hổ phách, rồi dùng nước này để nấu củ cải trong 5 giờ đồng hồ… Mỗi món ăn của Isshouan đều có thể coi như một tác phẩm nghệ thuật làm cho người xem, dù chỉ nhìn thôi cũng đủ rớt nước miếng.

Mỗi khi xem bạn sẽ có một cảm giác rất dễ chịu, rất bình yên. Dù cho ban ngày có nhiều việc đau đầu, có mệt và oải đến mấy nhưng đến khi ngồi xem phim lại thấy tất cả như dịu lại, và giống như mình được truyền thêm cảm hứng, thêm sức khỏe để tiếp tục làm việc. Nếu chưa đến Nhật, bạn sẽ hiểu nhiều hơn về Nhật; nếu đã ở Nhật thì mối liên kết nơi với vùng đất này sẽ càng được thắt chắt bởi tiếng Nhật, những cảnh vật cũng như con người Nhật, tự nhiên sẽ có cảm giác quen thuộc như gặp lại bạn cũ thân thiết từ thuở xa xưa vậy. Những triết lí được truyền tải trong từng tập phim, không hề nặng nề hay đao to búa lớn, nó không rao giảng đạo đức mà đôi khi chỉ là một câu thoại đơn giản cực dễ nghe, nhưng khiến lại cho người xem thấm thía.

Nguồn: sưu tầm, tổng hợp

Cây cầu kì lạ ở Nhật Bản

Cầu Ejima ở Nhật dài 1,44km, vị trí cao nhất so với mặt nước là 44,7m.

Bạn có muốn lái xe qua chiếc cầu này?


Chế độ ăn Okinawa

Okinawa là tên một hòn đảo ở Nhật, đấy là nơi có nhiều người trên 100 tuổi nhất thế giới và sức khỏe các cụ vẫn còn rất tốt nhờ vào chế độ ăn Okinawa.





Nguyên tắc Okinawa
Chế độ ăn Okinawa dựa trên bữa ăn ít năng lượng và ít mỡ nhằm tránh các bệnh kinh niên. Đó là chế độ ăn gần như chay và sau đây là một vài nguyên tắc để lựa chọn đồ ăn trong bữa của bạn:
- Ăn/uống thoải mái không giới hạn: nước, chè, sa lát xanh, dưa chuột, táo, đậu phụ, tảo vv…
- Đồ nên ưu tiên: cơm, mì, các đồ ăn thuộc họ đỗ (đậu)
- Đồ nên ăn ít: cá có nhiều mỡ, thịt nạc, hoa quả khô
- Đồ thỉnh thoảng lắm mới nên ăn: pizza, thịt hun khói, may-ô-ne, dầu
Một số nguyên tắc bổ sung
- Nguyên tắc Hara Hachi Bu: dừng ăn khi vẫn còn thòm thèm đôi chút (no đến mức khoảng 80%) để tránh nặng bụng.
- Nguyên tắc kuten gwa: nên ăn những khẩu phần nhỏ
- Nguyên tắc nuchi gusui: ăn và nghĩ rằng thức ăn có thể chữa được bệnh
- Ăn nhiều loại thức ăn khác nhau
- Nên ăn thức ăn với nhiều màu khác nhau để kích thích não và vị giác.
- Ăn những đồ ăn tươi.
- Nấu chín thức ăn bằng lửa nhỏ.
- Nấu riêng các loại đồ ăn và ăn từng loại một.
- Trộn lẫn đồ sống và đồ chín.
- Nên tránh dùng lò vi sóng và barbecue.
Các bạn không nên ăn kiêng vì về lâu dài có thể làm cơ thể thiếu chất, và tất nhiên là thỉnh thoảng các bạn có thể cho phép mình ăn những thứ yêu thích như sô cô la hay kẹo bánh!
Chúc các bạn khỏe!