Cùng học tiếng Nhật và khám phá Nhật Bản

Cùng học tiếng Nhật và khám phá Nhật Bản

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Tạm biệt blog cũ

Do blogspot hỗ trợ hơi ít nên mình xin chuyển sang đây ^^ Các bạn cần download tài liệu ghé sang bên wordpress nhé.

http://hoctiengnhatkhongkho.wordpress.com/

Còn blogspot dù chưa đăng nhiều bài, nhưng mình vẫn giữ, bởi ở đó có những dòng cảm xúc luôn tràn chảy <3

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Kinh nghiệm học tiếng Nhật

Có thể nói rằng tiếng Nhật là một ngoại ngữ đặc thù- một ngoại  ngữ “khó”, khi có đến 4 bộ chữ (Hiragana, Katakana, Kanji và Romaji- mỗi bộ chữ đều có vai trò riêng) và một hệ thống các mẫu câu ngữ pháp được phân chia sử dụng đến từng tình huống nhỏ nhất.

Tuy nhiên cũng như việc học các ngoại ngữ khác, nếu giai đọạn đầu tiên-giai đoạn sơ cấp, các bạn nắm được cách học tiếng Nhật và học tốt, thì nó là bước tiền đề cơ bản cho bạn, cùng với niềm yêu thích tiếng Nhật, sẽ học tốt trong những giai đoạn khó hơn tiếp theo.

Dưới đây là những kinh nghiệm mà mình, một người đã trải qua giai đoạn học sơ cấp, và các giai đoạn khó hơn của tiếng Nhật, cũng như đã đạt một số thành quả nhất định, rút ra từ quá trình học của mình, muốn chia sẻ với các bạn để các bạn tham khảo từ đó đúc kết ra cách học phù hợp nhất cho mình, để ngày càng học tốt hơn và tìm thấy sự thú vị của tiếng Nhật.

Mỗi giai đoạn sẽ cần một chiến lược học khác nhau, dưới đây là kinh nghiệm  học sơ cấp mà mình muốn chia sẻ với các bạn:
1.     -Xác định rõ mục tiêu: Học để thực hành- Học để làm việc- Khi bạn xác định được như vậy thì những khó khăn nhỏ trong quá trình học sẽ không khiến bạn bỏ tiếng Nhật được.

2.     Phải chú trọng và nắm chắc bộ chữ Hiragana và Katakana (đặc biệt là Hiragana) ngay từ những buổi đầu làm quen với tiếng Nhật. Giai đoạn đầu, bạn được cung cấp khá nhiều từ vựng, do vậy bạn cần phải đọc được chúng. Việc không nắm chắc Hiragana và Katakana khiến bạn không đọc được những nội dung được truyền đạt trong sách khiến việc tiếp thu cả bạn bị cản trở rất nhiều dù các vấn đề ngữ pháp giai đoạn đầu rất đơn giản.

3.      Học đến đâu thực hành đến đó: Thực hành nghe và nói.
 Bộ sách Minna no Nihongo là một bộ tài liệu tiếng Nhật sơ cấp rất bổ ích khi nó cung cấp cả tài liệu luyện nghe cho người học. Các bạn nên học đến bài nào thì cuối mỗi bài nên luyện nghe ngay phần của bài đó để làm quen dần với âm điệu, ngữ điệu và tốc độ nói của tiếng Nhật. Tốc độ nói của người Nhật thường rất nhanh, có thể ban đầu bạn không bắt kịp tốc độ đó, nhưng đảm bảo nếu nghe thường xuyên bạn sẽ dần quen ngay. Theo đó, không chỉ kỹ năng nghe tiếng Nhật mà kỹ năng nghe các ngoại ngữ khác của bạn cũng có sẽ sự tiến bộ trông thấy.
Về vấn đề thực hành nói: Bạn có thể thực hành thật nhiều với giáo viên trong lớp, cứ tích cực nói và theo ngữ điệu bạn đã được nghe qua băng.
4.      Chữ Hán (Kanji): Là sự tích góp của bạn phụ thuộc vào thời gian và sự chăm chỉ. Các bài đầu, các bạn tập trung vào bộ Hiragana và Katakana, sau khi đã nắm chắc như trong long bàn tay 2 bộ này và đọc vanh vách các chữ trong sách viết rồi thì hãy chuyển sang học chữ Kanji thôi nào! Hãy nhớ, Kanji là sự tích góp phụ thuộc vào thời gian và sự chăm chỉ. Bạn cần tích lũy dần dần và từng chút một chứ không thể ngày một ngày hai học tủ được một số lượng lớn Kanji được (sẽ quên ngay! Rồi bạn lại phải học lại và như thế ngược lại lại rất mất thời gian). Hãy nhớ: Kanji bám sát nội dụng học trong sách- Mỗi ngày vài chữ, học chữ nào, chắc chữ đó. Như vậy, đảm bảo khi bạn hoàn thành 1 khóa học thì bạn cũng tích lũy được số lượng kanji tương ứng với trình độ của khóa học đó.

5.      Để hỗ trợ cho “bộ nhớ” của bạn trong quá trình học tiếng Nhật, bạn có thế sử dụng các công cụ giấy nhớ, .. để ghi ra những nội dung mà mình cảm thấy chưa nhớ chắc, những chữ Kanji hay quên và gắn ở những nơi bạn hay nhìn thấy (laptop, bàn học…)

Cuối cùng, mình đảm bảo với các bạn rằng tiếng Nhật rất thú vị và mình chúc các bạn học tiếng Nhật thật vui và đạt được những kết quả tốt!

Đỗ Thanh Hoa


Tự học tiếng Nhật qua các video clip (dành cho người mới bắt đầu)

Ở bài viết sau đây, mình sẽ gợi ý các bạn một số đường link mà mình thấy hữu ích trong giai đoạn mới học tiếng Nhật.

1. Phần bảng chữ cái:
- Ngoài phần giáo viên hướng dẫn, bạn hãy tự luyện viết các chữ cái nhiều lần, sử dụng flashcard để ôn tập. Các bạn cũng có thể nghe bài hát sau để vừa thư giãn vừa ghi nhớ bảng chữ cái:

Hướng dẫn học bảng chữ cái chi tiết cho các bạn muốn tự học tiếng Nhật:
https://www.youtube.com/watch?v=yaoKzYJwfXc
https://www.youtube.com/watch?v=8zfBMDNkJuI

- Bạn cũng có thể chơi trò chơi ở một số link sau: 

- Bạn cũng nên download font tiếng Nhật và cài vào máy để gõ bằng tiếng Nhật

2. Sau khi học bảng chữ cái, chúng ta sẽ cùng chính thức học tiếng Nhật nào :D
Chắc hẳn 80% các bạn mới học tiếng Nhật sẽ sử dụng giáo trình Minna no nihongo đúng không nào? Đó là một cuốn sách khá hay, nhưng các bạn hãy sử dụng nó một cách có hiệu quả nhé.
Các bạn hãy học từ vựng qua một số phương pháp sau nhé:
- Flashcard: Các bạn có thể tự làm flashcard trên giấy nhiều màu, một mặt là tiếng Nhật, mặt kia là tiếng Việt hoặc hình minh họa. Các bạn cũng có thể download flashcard có sẵn rồi in trên giấy A4, sau đó gập đôi lại và dùng hồ/băng dính 2 mặt dán lại rồi cắt nhỏ ra, như vậy các bạn cũng có flashcard để ghi nhớ từ vựng. (Các file được đặt tên là Lesson 1,2,3) 
- Tranh ảnh: Các bạn hãy nhìn tranh và đặt 1 ví dụ để ghi nhớ từ vựng và ngữ pháp nhé.
- File từ vựng: Trong folder Audio, các file tên là Kotoba là các file từ vựng, các bạn hãy nghe list từ vựng trong đó nhiều lần để ghi nhớ nhé. Lưu file vào điện thoại để nghe khi rảnh cũng là một cách học rất tiết kiệm thời gian.

Để có thể giao tiếp nhanh nhất có thể, các bạn hãy xem clip hội thoại theo mỗi bài học, luyện nghe nhiều lần và học thuộc lòng hoặc ghi âm lại nội dung hội thoại.

Download tài liệu bổ trợ sách Minna tại đây

Ngoài ra, các bạn cũng có thể xem thêm một số video clip thú vị khác, nghe nhạc Nhật... để tiếp xúc với tiếng Nhật nhiều hơn:

3. Một số tài liệu ở cấp độ cao hơn
Học chữ Hán
https://www.youtube.com/watch?v=VSWSri61KFI
https://www.youtube.com/watch?v=sspUdoV9Il0

Từ chỉ số lượng
https://www.youtube.com/watch?v=wAHhZK91Gdk

Hãy chinh phục tiếng Nhật bằng những phương pháp thông minh các bạn nhé!

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Đội dịch vụ được ca ngợi khắp nước Nhật, chỉ có 7 phút làm việc trên tàu Shinkansen

Shinkansen Nhật Bản, hay còn gọi là tàu siêu tốc, là một trong những tàu có tốc độ nhanh nhất thế giới, có vận tốc 200 km/giờ . Tokaido Shinkansen đường tàu siêu tốc mà được sử dụng nhiều nhất, với 120.000 chuyến tàu một năm, thời gian chuyển tiếp giữa các chuyến tàu là 36s. Một trong những lý do mà tàu siêu tốc có chạy một cách suôn sẻ là nhờ vào Đội dịch vụ cần mẫn làm việc đến khi tàu dừng lại ở điểm cuối, Đội dịch vụ chỉ có 7 phút để làm công việc dọn dẹp.

Công ty đường sắt JR East, hay còn được gọi là TESSEI, có trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh cho những con tàu siêu tốc khi chúng dừng tại ga Tokyo. Có khoảng 820 nhân viên dịch vụ toàn thời gian và bán thời gian, tuổi đời trung bình của họ là 52, và khoảng 50% trong số họ là phụ nữ lớn tuổi, họ thường được gọi bằng cái tên thân mật chung là Obasan của TESSEI (có nghĩa là bà lão của TESSEI).

Tàu siêu tốc chạy đi và về ga Tokyo khoảng 210 lần mỗi ngày. Nhân viên TESSEI được chia thành nhiều đội, mỗi đội 22 người, có 11 đội thay phiên nhau lau dọn, và trung bình một ngày mỗi nhân viên dọn dẹp trên 20 chuyến tàu mỗi ngày.
Công việc lau dọn này dù giản đơn, nhưng lại nhận được sự quan tâm của giới truyền thông, tạp chí Business Nikkei còn gọi Đội dịch vụ là “Đội mạnh nhất” của Nhật Bản.

Nhưng công việc chính của Đội dịch vụ là gì?



Tốc độ lau dọn
Các chuyến tàu chỉ dừng 12 phút tại ga Tokyo, bao gồm 2 phút cho hành khách xuống, 3 phút cho hành khách lên, 7 phút cho việc dọn dẹp.
Mỗi nhân viên dịch vụ sẽ dọn một khoang tàu có khoảng 100 ghế gồi, các khoang phải được dọn dẹp sạch bong trong vòng 7 phút, trong đó 1,5 phút cho việc nhặt rác, 30 giây chuyển đổi lại ghế ngồi, 4 phút cho việc lau dọn, và 1 phút dành cho việc kiểm tra. Trên tàu Shinkansen, khành khách thường ngồi trên tàu khoảng vài tiếng, nên họ thường ăn, uống, đọc sách…nên công việc dọn dẹp sẽ vất vả hơn nhiều.

Chi tiết công việc lau dọn trong vòng 7 phút
Phút 0:00~1:30 Kiểm tra giá hành lý hai bên, và nhìn xuống giữa các hàng ghế xem có ai để quên đồ. Khi ghế được xoay cùng hướng với hướng tàu đi, chạy đến cửa đầu và cuối quét sạch rác vương vãi trên lối đi.
Phút 1:30~4:30 Trên đường trở lại hành lang, kéo và kiểm tra rèm cửa, và cùng lúc đó, lật các bàn ra lau dọn, thay vỏ bọc nếu chúng bị bẩn.
Phút 4:30~6:30 Lấy chổi, quét tất cả rác vào một thùng và mang ra hành lang.
Mọi công việc phải hoàn thành trong vòng 6 phút, thời gian tối đa là 7 phút. Nhiều lúc, khách đi tàu đông, thời gian lên xuống cũng nhiều hơn bình thường, vậy nên công việc lau dọn này phải khẩn trương hơn bao giờ hết, và hiếm khi Đội dịch vụ có đủ 7 phút để hoàn thành công việc.

TESSEI tiến hành cải cách công ty từ 9 năm trước, khi mới bắt đầu, những nhân viên lau dọn thường là nhân viên tạm thời nên tinh thần làm việc có phần sa sút, và không tận tâm với công việc, do vậy chất lượng công việc không đáp ứng được với đòi hỏi của khách hàng. Một trong những thay đổi liên quan tới việc đại tu là định nghĩa lại công việc “lau dọn” là “dịch vụ” thay vì lau dọn đơn thuần, và khiến nhân viên cảm thấy tự hào về công việc của mình. Thành viên của Đội dịch vụ được luân chuyển thường xuyên tới các Đội dịch vụ khác để học hỏi. Mỗi ngày các nhóm dịch vụ đều có cuộc họp để cùng nhìn lại các vấn đề trong công việc, và mọi thành viên đều phải đóng góp ý kiến.

Omotenashi: Nhật Bản hiếu khách
Nếu bạn đã từng nghe nói đến cụm từ “Omotenashi” song hành với việc Nhật Bản đăng cai thế vận hội Olympic 2020. Omotenashi tượng trưng cho khái niệm Nhật Bản hiếu khách, và Nhật đã rất thành công với hình ảnh một đất nước lịch sự mến khách trong con mắt người nước ngoài.
TESSEI cũng có Omotenashi, hành khách sẽ thường thấy những hình ảnh nhân viên TESSEI chỉnh tề đứng đợi lên tàu bắt đầu công việc lau dọn, cúi đầu chào con tàu khi thấy tàu đến và đi, lúc nào cũng nở nụ cười, có hoa cài trên mũ, hay mặc những chiếc áo Hawaii sặc sỡ vào mùa hè.
Dịch vụ tuyệt vời của TESSEI đã được ca ngợi khắp thế giới. Sau một lần đến thăm Nhật, một quan chức cấp cao của đường sắt Pháp đã thốt lên rằng, họ muốn làm theo cách mà TESSEI đang làm. Tháng trước, một nhóm giáo sư đại học Havard đã thăm quan TESSEI và nói về việc đưa TESSEI vào tài liệu giảng dạy cao học.

Theo Japan today đăng ngày 29/04/2014

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Chuyện về một hầu bàn người Nhật

Cả lượt đi và về Hà Nội - Boston và Boston - Hà Nội, tôi đều quá cảnh ở sân bay Narita, Tokyo chừng dăm tiếng đồng hồ. Khi mua vé, một số người khuyên đừng đi qua Nhật vì có thể bị nhiễm phóng xạ. Nhưng có lẽ vì tôi đã quá cảnh Tokyo nhiều lần rồi nên thành thói quen và cũng thấy nhớ. Và thú thực, tôi cũng muốn được quan sát nước Nhật đang sống như thế nào sau cơn " tiểu hồng thủy" mới tràn qua cho dù chỉ ở một trong không gian nhỏ là một sân bay. Báo chí đã nói về bản lĩnh và nhân cách người Nhật sau thảm họa sóng thần cũng như bản lĩnh và nhân cách người Nhật sau khi người Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất nước này. Và cả bản lĩnh của người Nhật ngay khi dân tộc họ trở thành một trong những dân tộc giàu có nhất thế giới.

Ở nhiều nơi trong khu vực sân bay Narita, người ta có dán một tờ giấy với nội dung nước Nhật đang gặp khó khăn sau thảm họa sóng thần nên thiếu năng lượng, vì vậy quản lý sân bay xin lỗi hành khách khi hệ thống điều hòa trong khu vực sân bay không thể phục vụ hành khách như trước kia. Lúc đầu không nhìn thấy lời xin lỗi đó, tôi tỏ ra khó chịu với sự nóng bức trong sân bay sau một chuyến bay quá dài. Nhưng khi đọc được lời xin lỗi đó thì tôi lại thầm xin lỗi những người Nhật. Lúc đó, tôi thấy mình thật ích kỷ. Sống tử tế thật khó. Có lẽ chỉ khi chết rồi con người mới có thể tuyên bố rằng mình đã sống hoàn toàn tử tế.

Tôi là kẻ nghiện thuốc lá. Bởi thế, xuống đến sân bay là tôi đảo mắt kiếm tìm phòng hút thuốc. Cho đến bây giờ, chỉ ở Mỹ là tôi không tìm thấy phòng hút thuốc trong sân bay còn tất cả các sân bay tôi đã từng qua đều có phòng hút thuốc. Nhưng chưa ở đâu, phòng hút thuốc trong sân bay lại rộng, đẹp và sạch như ở sân bay Narita. Tất cả mọi thứ trong phòng hút thuốc ở Narita đều đẹp và sạch như là một phòng khánh tiết. Nhìn là biết những người quản lý sân bay đã quan tâm đến cái phòng hút thuốc như thế nào. Nhưng xin bạn nhớ rằng họ quan tâm không phải vì họ khuyến khích người ta hút thuốc mà là lối sống văn hóa của họ. Hút thuốc có hại sức khỏe cho người hút thuốc và cũng có hại phần nào đó cho người bên cạnh. Nhưng không vì sự có hại đó mà người không hút thuốc tẩy chay người hút thuốc. Phép ứng xử với những người hút thuốc qua cách thiết kế và chăm sóc các phòng hút thuốc là một phép ứng xử văn hóa của những người quản lý sân bay Narita. Hút thuốc không có tội, nghĩa là không vi phạm luật pháp trừ khi anh hút thuốc ở nơi cấm hút. Và vì vậy, người hút thuốc phải được ứng xử một cách văn hóa và bình đẳng. Tôi nói vậy vì tôi thấy phòng hút thuốc ở nhiều sân bay trên thế giới giống như địa ngục. Một cái phòng nhỏ xíu chỉ dăm người vào hút thuốc là chật cứng. Những người hút thuốc chen nhau trong mù mịt khói thuốc trông thật thảm hại. Có lẽ những người quản lý ở các sân bay đó tìm cách đày đọa và sỉ nhục những người hút thuốc để cho họ phải bỏ thuốc chăng ?

Tôi còn nhớ mãi một trong những câu chuyện đau lòng trong các trại giam giữ những người Việt Nam vượt biên ở Hongkong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Cảnh sát Hongkong cai quản những trại đó đã ra lệnh những người Việt Nam vượt biên mỗi ngày mỗi người phải bắt 50 con ruồi thì mới được phát khẩu phần ăn. Đó là một sự sỉ nhục. Đó là vô lương tâm. Tôi đã trực tiếp trò chuyện với một số người từ trại đó trở về. Họ đã khóc khi kể lại câu chuyện bắt ruồi để được ăn. Trước kia tôi không nghĩ đến việc bỏ thuốc lá. Nhưng khi nhìn những phòng hút thuốc ở sân bay Narita và cách những người lao công lau chùi phòng hút thuốc đã làm tôi nghĩ tới việc bỏ thuốc lá. Người ta chỉ có thể thức tỉnh con người bằng văn hóa chứ không bao giờ thức tỉnh con người bằng áp bức dưới bất cứ hình thức nào được.

Vì thời gian quá cảnh ở sân bay Narita quá dài nên chúng tôi tìm đến một quán ăn trong sân bay. Tôi gọi một bát mì hải sản. Theo trí nhớ của tôi thì giá một bát mì như vậy vẫn không có gì thay đổi sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đặc biệt sau thảm họa sóng thần. Lúc đó, nghĩ lại những cơn bão giá ở trong nước như trận đồ bát quái mà người tiêu dùng không thể tìm thấy đường thoát ra. Khi chúng tôi ngồi vào bàn thì một người hầu bàn bước đến cúi đầu chào chúng tôi và hỏi chúng tôi dùng gì. Rồi anh mang nước cho chúng tôi. Lúc đó, tôi vô tình chạm vào tay anh và làm đổ cốc nước. Nước làm ướt một chiếc giày của tôi. Trong khi tôi lúng túng chưa biết làm gì thì người hầu bàn đã nói lời xin lỗi và quỳ xuống lau chiếc giày của tôi bằng một chiếc khăn trắng tinh. Tôi thực sự bất ngờ và thấy xấu hổ. Tôi nghĩ đến cách ứng xử của những người Việt Nam ở những nơi công cộng. Người hầu bàn lau chiếc giày bị ướt của tôi kỹ lưỡng như đang lau một viên kim cương. Tôi cam chắc rằng nếu một người hầu bàn trong những quán ăn ở Việt Nam cúi xuống lau giày cho khách thì họ sẽ rất xấu hổ. Nhưng họ biết đâu rằng : chính tôi, người có chiếc giày được lau, mới là người thấy xấu hổ chứ không phải là người lau chiếc giày ấy cho tôi.

Khi ăn xong, tôi đã để lại một món tiền tip kha khá vì muốn bày tỏ sự biết ơn của mình với người hầu bàn đó. Nhưng người hầu bàn nói họ không nhận tiền tip. Một lần nữa, tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi cố tìm cách đưa tiền tip cho người hầu bàn nhưng người hầu bàn vẫn nhã nhặn từ chối. Năm 1992, trong chuyến đi đầu tiên của mình đến Mỹ, tôi có đến một quán ăn người Việt ở New York. Khi ăn xong tôi đã để 10 đô la tiền tip lại. Người hầu bàn là một người Mỹ gốc Việt đã tỏ ra vô cùng bực bội với tôi vì tôi đã không để 12 đô la mà chỉ để 10 đô la. Sau này tôi mới biết họ tính phần trăm tiền tip theo tổng giá của bữa ăn. Tôi thực sự không biết điều đó. Sao người hầu bàn kia không giải thích cho tôi? Và sao người hầu bàn kia không có thể nói: "Quý ông còn thiếu 2 đô la tiền tip theo quy định, nhưng nếu quý ông không có 2 đô la thì cũng không sao. Mong quý ông trở lại nhà hàng chúng tôi để chúng tôi được phục vụ quý ông". Nếu nói như vậy, người hầu bàn và nhà hàng của anh ta sẽ không bao giờ mất 2 đô la (vì đương nhiên tôi sẽ trả thêm) mà còn được một cái gì đó giá trị gấp ngàn lần giá trị của 2 đô la kia. Và chắc chắn những lần tới New York sau đó tôi sẽ tìm đến nhà hàng đó. Bởi có gì hạnh phúc hơn khi được trở lại một nơi chốn đã từng gieo vào lòng mình sự xúc động và kính trọng. Nhưng bây giờ, trong các nhà hàng ở Mỹ, người ta tính tiền tip vào luôn hóa đơn thanh toán. Nghe rất khoa học và sòng phẳng nhưng vẫn không ổn ở một khía cạnh nào đó.

Sau khi từ chối tiền tip, người hầu bàn hỏi chúng tôi có cần gì nữa mà anh ta có thể phục vụ chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn anh. Anh cúi đầu chào chúng tôi và bước lùi một bước mời chúng tôi đi. Một lời từ chối lịch sự, một cái cúi đầu, một bước đi lùi, một nụ cười thân ái, một gương mặt tự tin chỉ của một người hầu bàn đã một lần nữa làm nên nhân cách người Nhật. Họ đã từ một đất nước nghèo nàn và tan hoang vì chiến tranh trở thành một đất nước văn minh, văn hóa và giàu có. Họ không bán hàng giả, hàng độc hại, họ không dùng tiền hay vũ khí đe dọa người khác. Sự nhẫn nại trong hành động lau chiếc giày cho khách và sự chối từ tiền tip của người hầu bàn Nhật và sự nhẫn nại của người bán trứng Trung Quốc và cách ăn mì tôm của cậu sinh viên Trung Quốc hoàn toàn khác nhau.

Sự nhẫn nại của người Nhật là sự rèn luyện nhân cách, là ứng xử văn hóa, là sự tôn trọng con người và ý chí vươn lên. Sự nhẫn nại đó không chứa đựng những tham vọng ngông cuồng và những mưu mô. Cũng như người Nhật đã dạy cho con em của họ về những khó khăn mà dân tộc Nhật phải đương đầu, dạy cho mỗi người Nhật hãy bằng hành động trung thực của mình làm cho văn hóa Nhật, nhân cách Nhật cũng như giá trị những sản phẩm made in Japan lan tỏa vào lòng con người trên toàn thế giới chứ không phải là những cuộc "xâm lăng" đầy mưu tính đôi khi phi nhân và ác độc.

Doanh nhân Nhật Bản nhặt rác Hồ Gươm.


Vào ngày chủ nhật, dòng người từ khắp nơi đổ về hồ Hoàn Kiếm thư giãn, ngắm cảnh. Nhưng dường như không mấy ai để ý đến người đàn ông Nhật đang lúi húi nhặt rác.
Ông đặc biệt gây chú ý. Ba lô rất gọn, tay trái cầm túi nilon to, tay phải cầm kẹp sắt dài nửa mét hết đứng lại ngồi, đôi lúc cúi gập cả người xuống gầm ghế đá ven hồ để cố moi lấy những mẩu thuốc lá hút dở lẫn vào đất hay vỏ chai nước lăn lóc mà ai đó đã cố tình ném vào.
Đó là ông Ninomiya, Giám đốc Công ty ISHIGAKI RUBBER VN có trụ sở tại khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư thuộc quận Long Biên. Ông đã làm công việc này được khoảng 1 năm.
Ông nói: “Công việc này rất hữu ích và không cần đầu tư tiền bạc gì”
Ông tự trang bị bộ kẹp rác bằng sắt dài, túi nilon, găng tay và để thu gom rác ở Hồ Gươm.
Một người Nhật có ý thức bảo vệ môi trường, còn chúng ta làm gì để bảo vệ thủ đo của mình?

Nguồn: Báo Tiền Phong.

Nước Nhật trong tôi

Tôi chưa bao giờ đến Nhật, chẳng mấy khi tìm hiểu về con người, đất nước và văn hóa Nhật, nên có thể nói tôi xa lạ với thế giới mà nhiều người xem là tuyệt diệu, nhiều sinh viên FU xem là điểm đến lí tưởng trong đời. Một nước Nhật phồn hoa, một nước Nhật đầy màu sắc và quyến rũ vẫn là những điều chưa từng mắt thấy tai nghe, nhưng vẫn có một nước Nhật đặc biệt trong tôi.
Nước Nhật của những hoài niệm 
Đó là nước Nhật của những ngôi nhà gỗ thơm trầm hương - mùi hương quá khứ, với những hành lang dài, cánh cửa lùa ít nắng khiến mỗi căn nhà đều mang dáng vẻ thâm u. Những ngôi nhà với bước chân thong thả của những người phụ nữ hòa cùng tiêng chuông gió thảnh thơi treo trên cửa sổ và tiếng chim nào khẽ rơi trên mái nâu trầm. Những ngôi nhà với khu vườn rộng um tùm hoa lá thay đổi theo mùa man mác hương vị của đất đai, của cỏ cây, của những điều khó có thể gọi thành tên. Là nước Nhật mà thời gian không trôi đi, xưa cũ và ẩn mình trong chốn phồn hoa, bên những con dốc thoai thoải khép trong hàng rào màu đá xám...

Đó là nước Nhật của những người bà già như hàng trăm tuổi, những cậu học trò cứ nhắc về ngày xưa, của những người yêu nhau và hay nói về quá khứ, của mối tình đầu không thể nào quên qua những thăng trầm thời gian, của những biến thiên cuộc đời để rồi chỉ mong một lần về ngồi lại bên lối đi, khu vườn, hay bãi biển của một thời tuổi trẻ. Dường như họ nói về nỗi nhớ nhiều hơn, họ ủ mình trong cái kén êm ái cúa thời vàng son dù ngọt ngào hay chát đắng nhưng thiêng liêng và đáng quý vô cùng.
Nước Nhật của những tình yêu 
Tình yêu mà hơn cả tình yêu. Yêu đến mức không muốn rời xa những kỉ niệm nhỏ nhặt nhất, nên một chàng thiếu niên cứ thích mặc đồng phục của cô bạn xấu số đã qua đời. Yêu đến đau đớn mà đôi tình nhân phải bỏ đi đến thật xa, nơi những người hát ru hồn ma của biển, nơi không ai biết họ là ai, nơi họ được sống với chính mình mà thôi. Yêu đến xót xa khi người phụ nữ bỏ cả tâm hồn và kỉ niệm nấu những món ăn cho người tình trẻ, vì muốn món ăn của mình hóa thành da thịt người yêu. Yêu đến dại khờ, ngác ngơ, khi một sáng tình dậy chàng trai nào đã khóc, vì cô bạn thân yêu đã đi thật rồi. Họ yêu như thế đấy! Dù đến hay không đến được với nhau nhưng họ đã yêu hết mình và nồng thắm, và như thế dù thế nào họ vẫn có một nơi để trở về - khoảng trời của tình yêu đã có.

Nước Nhật của những nỗi đau tinh thần bế tắc
Khi người bạn trai chết đi rồi, một cô gái nào chỉ biết được mỗi nickname của anh ấy, không địa chỉ, không điện thoại, không liên lạc. Khi cô gái giang hồ muồn làm lại cuộc đời mà không dám yêu và chấp nhận tình yêu của người ân nhân cứu giúp. Khi họ yêu nhau nhưng không bước qua nổi những định kiến hay mối liên hệ máu huyết trong mình. Khi biết bao đổ vỡ và tan nát, bao tuyệt vọng đến không cùng không tận của những tâm hồn bế tắc cũng không muốn cầu siêu. Sau cái hoa mĩ kia vẫn có những giấc mơ chỉ là nỗi đau mỗi khi gọi tên, làm nhức nhối chỉ tạm quên trong rượu.
Đấy, đấy là nước Nhật trong tôi qua những trang sáng tôi đọc thường ngày, những trang sách đầy ứ dòng hoài niệm mà mỗi lần nhớ lại tràn về ồ ạt như nước sông mùa lũ. Nước Nhật trong tôi tuy chưa từng đến, nhưng có biết bao niềm đồng cảm. Cảm ơn biết bao những trang sách, những bài học, những con người của một đất nước bình dị mà vĩ đại.
Lời tác giả: Nước Nhật đã trải qua những biến cố phi thường một cách phi thường. Bằng tinh thần đoàn kết, trái tim yêu thương, người Nhật đã liên tục vùng lên tiến về phía trước. Dường như mỗi lần vấp ngã, người Nhật lại đứng lên, mạnh mẽ hơn, dũng mãnh hơn. Gửi đến nước Nhật những gì tốt đẹp nhất trong trái tim tôi, mong các bạn sớm vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần và vững tiến về phía trước.
Viết vào dịp nước Nhật đón lễ kỉ niệm một năm động đất và sóng thần.
Nếu muốn gặp một nước Nhật như tôi đã từng gặp và yêu, hãy đọc:
- “Vĩnh biệt Tugumi” – Banana Yoshimoto
- “Kitchen” – Banana Yoshimoto
- “N.P” – Banana Yoshimoto
- “Rừng Na-Uy” – Murakami Haruki
- “Sắc lá Momiji” – Teru Miyamoto
- “Socrates in love” -  Kyoichi Katayama